Trong thời gian qua, mình nhận được khá nhiều pm về cùng một chủ đề: “em muốn được trở thành một chuyên gia như chị”; “làm thế nào để trở thành chuyên gia tư vấn”; “bắt đầu từ đâu để trở thành chuyên gia”…

Biết trả lời các bạn thế nào? 

Định nghĩa về “chuyên gia” khá nhiều, VD Như định nghĩa trên Wikipedia thì “Chuyên gia là thuật ngữ chỉ về những người người được đào tạo theo hướng chuyên sâu có kinh nghiệm thực hành công việc và có kỹ năng thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung.Các chuyên gia có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua việc cho ý kiến, tham vấn) vào một công việc hay một lĩnh vực cụ thể. Một trong những đặc điểm quan trọng để nhận dạng chuyên gia so với các chuyên viên, đồng nghiệp thông thường là[1]: Kỹ năng, nghề nghiệp vượt trội đồng nghiệp. / Trong công việc luôn cho kết quả chính xác / Tinh thông nghiệp vụ, am tường về công việc đang làm

ĐỊnh nghĩa của businessdictionary.com: “Expert is a Professional who has acquired knowledge and skills through study and practice over the years, in a particular field or subject, to the extent that his or her opinion may be helpful in fact finding, problem solving, or understanding of a situation” – same meaning.

ĐỊNH NGHĨA của cá nhân mình, Chuyên gia (Expert) có từ gốc là Experience (Kinh nghiệm, trải nghiệm) và bản thân từ này lại xuất phát từ ” experiment” (thí nghiệm, thử nghiệm, thực nghiệm). Vậy điều kiện cần của Chuyên gia trước tiên là người có rất nhiều kinh nghiệm rút ra thông qua việc thử nghiệm/thí nghiệm/thực nghiệm nhiều lần trong chuyên môn của họ. ĐIều kiện đủ mới là “có khả năng tham vấn, tư vấn, hướng dẫn cho người khác về lĩnh vực đó.

Trước nay chúng ta “dị ứng” với từ Chuyên gia, cho rằng chuyên gia là một điều gì đó quá cao siêu không thể đạt tới. Thực tế, một người quản đốc phân xưởng với tay nghề bậc 7/7 chính là một “chuyên gia” trong nghề. Đó cũng là lý do vì sao Người Nhật rất tôn trọng kinh nghiệm làm việc và những người có kinh nghiệm đều được trọng dụng.

Ngược lại, thời đại của “nhà nhà làm đào tạo, người người online” cũng sản sinh một thế hệ các “chuyên gia” mà tuổi đời và tuổi nghề có thể đếm được bằng tháng. Thậm chí có những chuyên gia chưa từng thực sự thực hiện thành công bất kỳ công việc/ dự án nào; chỉ với lý thuyết cóp nhặt miễn phí trên Internet và qua một số khóa đào tạo… cũng thành chuyên gia.

VẬY TÔI ĐÃ LÀM GÌ để TỰ PHONG LÀ CHUYÊN GIA?

Lần đầu tiên tôi dùng từ chuyên gia khi một người bạn làm đào tạo kỹ năng mềm ở Singapore nói ” that I know why they call you an expert” khi tôi góp ý với anh ấy về mẫu Logo mới.

Để tư vấn được cho anh ấy, cũng như những khách hàng khác sau này, tôi đã CHỌN CHIẾN LƯỢC TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA TRONG LĨNH VỰC TƯ VẤN THƯƠNG HIỆU vào năm 2004, khi đọc được lời khuyên hãy trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của bạn – (chả nhớ của ai viết).

Trong nghề của mình, tôi tự hào có hơn 10 ngàn giờ lăn lộn cùng doanh nghiệp. Không phải chỉ trong việc thiết kế 1 mẫu logo, sáng tác một câu slogan; mà là chặng đường họ kinh doanh, bán hàng, xây dựng và thực hiện chiến lược Marketing; chọn lựa điểm phân phối, khảo sát đối thủ cạnh tranh; trải nghiệm sản phẩm – dịch vụ của khách hàng lẫn của đối thủ cạnh tranh của họ. Có những trải nghiệm khách hàng đề xuất, có những trải nghiệm tôi tự mình thực hiện (và tự chi trả, đương nhiên).

Ví dụ, khi tư vấn cho một doanh nghiệp làm về ga gối đệm, không những tôi (và cộng sự) khảo sát điểm bán hàng của đối thủ, mà cá nhân tôi trực tiếp mua hàng (online, offline) không dưới 5 đối thủ ở nhiều cửa hàng khác nhau để đánh giá tiêu chí người dùng và “trải nghiệm khi là khách hàng”.

Khi giảng bài về “duy trì hình ảnh thương hiệu” cho các Marketer của Mobiphone ở 14 tỉnh Phía Nam, tôi đã vào Cần Thơ trước 1 ngày và lang thang khắp Thành phố, vào từng hẻm phố, trò chuyện với nhiều người dân để check hình ảnh thương hiệu và trải nghiệm thương hiệu của Mobiphone và các đối thủ tại khu vực. (đương nhiên không thể bỏ qua khâu kiểm tra thông tin có sẵn từ các nguồn khác). Kết quả là trong bài giảng, tôi có những trải nghiệm, hình ảnh thực tiễn, thực tế và những kết luận đáng tin cậy.

ĐỂ TỰ TIN NHẬN MÌNH LÀ CHUYÊN GIA, tôi đã nỗ lực HƠN NHIỀU BẠN KHÁC. Tôi cũng phải hy sinh nhiều thứ hơn nhiều người khác. Khi tôi post những ảnh khoe váy đẹp; quả thực trong đầu tôi, tư duy quảng bá hộ khách hàng vẫn chiếm 60%. Khi nhận tư vấn cho một khách hàng, dù rất nhỏ, tôi không thể cứ nhận tiền, tư vấn là xong, mà bất cứ lúc nào “thương hiệu” của khách hàng cũng chiếm một góc trong tâm trí và cách hành xử. Mỗi khi có thời gian rảnh, thay vì cho mình thời gian tự do, tôi lại dành thời gian đó để “thử làm khách hàng” của một thương hiệu hoặc suy nghĩ cách thức tốt nhất cho thương hiệu đó.

Nói như vậy, không có nghĩa chỉ có mình tôi nỗ lực. Tôi biết có nhiều bạn, trong một thời gian rất ngắn, đã đạt được thành tích đáng ngưỡng mô trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Bạn chắc cũng như tôi, nhiều ngày, nhiều giờ dồn tâm trí vào công việc đến độ quên ăn, quên ngủ.

Everyone is an Expert. Một nhà giáo, một người mẹ, một nhà lãnh đạo… ai cũng đã dồn rất nhiều tâm huyết và trí lực của mình trong nhiều năm. Mỗi người chúng ta đều xứng đáng là một chuyên gia.

Trở thành chuyên gia rất dễ. Chỉ cần bạn đủ tập trung, đủ niềm tin, đủ tâm huyết. Bạn sẽ biết mình cần làm gì.