Không giống như mục tiêu lấy thông tin khi đọc lướt. Để đọc được thật sâu, ta phải đọc kĩ, đọc lại, suy nghĩ và đối chiếu với bên ngoài. Chí ít là sau khi bạn đã đọc lướt có kiểm soát, bạn đọc lại một lần nữa thì thông tin thu được cũng đã khác, ngay cả khi bạn không áp dụng kĩ thuật nâng cao nào. Một sự lãng phí lớn của rất nhiều người đọc sách đọc xong một cuốn sách xong cất đi luôn không bao giờ sờ lên nữa. Mỗi lần đọc lại, một lần ngộ thêm. Phàm phải sách nào hay, và quan trọng, hãy đọc đi đọc lại. Đấy là bí quyết đơn giản để hiểu cho thật kĩ.

Mortimer Adler hướng dẫn cách chúng ta đọc sâu thực sự cuốn sách bằng việc thực hành cấp độ đọc phân tích. Đọc phân tích là một cách đọc tích cực, bạn sẽ phải trả lời bốn câu hỏi cơ bản này sau khi đọc xong:

  1. Tổng quan cuốn sách này nói về điều gì? 
  2. Những gì được đề cập chi tiết và đề cập như thế nào? (Các ý tưởng chính là gì?)
  3. Cuốn sách có đúng không, đúng một phần hay toàn bộ? 
  4. Ý nghĩa của cuốn sách này là gì? 

Ở cấp độ này, bạn cần phải khôi phục lại được cấu trúc của cuốn sách, lập luận của tác giả, nắm bắt được các chi tiết, và thực hiện “trao đổi” với tác giả để thực sự nắm bắt được cuốn sách ở mức độ sâu sắc hơn.

Theo đó, bạn phải biết loại sách đang đọc là sách gì, tốt nhất là trước khi đọc cuốn đó. Đọc xong, bạn cần trình bày sự thống nhất của toàn bộ nội dung cuốn sách trong một câu đơn hoặc một đoạn văn ngắn. Trình bày những phần chính của cuốn, và cách sắp xếp các phần theo thứ tự thống nhất thành một chỉnh thể. Phát hiện ra những vấn đề của tác giả. Tìm các từ quan trọng và qua đó đi đến thống nhất thuật ngữ với tác giả. Đánh dấu những câu quan trọng nhất trong một cuốn sách và tìm ra các nhận định ẩn chứa trong đó. Tìm ra các lập luận cơ bản trong một cuốn sách dựa trên mối liên hệ giữa các ý tưởng. Tìm ra các hướng giải quyết của tác giả. Bạn cần nói chắc chắn rằng “tôi hiểu” trước khi nói “tôi tán thành” hoặc “tôi phản đối” hay “tôi tạm thời chưa đưa ra nhận xét”. Khi bạn phản đối, hãy phản đối một cách hợp lí. Tôn trọng sự khác nhau giữa kiến thức và quan điểm cá nhân bằng cách đưa ra những lí do giải thích cho đánh giá phê bình của bạn.

Đây là cấp độ đòi hỏi sự chú ý đến chi tiết, do vậy sẽ tốn thời gian. Chỉ những cuốn sách thực sự quan trọng cho công việc hoặc cho sự tò mò của bạn thì mới cần đầu tư lớn như thế.

Khi thực hành đọc sâu, bạn nên sử dụng các công cụ ghi chú thật hữu hiệu để lưu lại các chi tiết. Phần sau chúng ta sẽ trả lời câu hỏi “Làm sao để không quên nội dung của cuốn sách?” để tìm hiểu một số hướng dẫn ghi chú khi đọc sách để bạn có thể tổ chức thông tin một cách hợp lí, lưu trữ trong một kho thông tin cá nhân gọn gàng và sử dụng lâu dài về sau.

Trong quá trình tương tác với cuốn sách, có thể bạn sẽ cần đặt ra những câu hỏi phản biện, hoặc liên kết với những kinh nghiệm mà bạn đã có sẵn trong người, hoặc liên hệ/đối chiếu với những nội dung từ các cuốn sách/bài báo khác. Hãy nêu rõ những chỗ đồng tình, chỗ phản đối, chỗ nghi vấn. Việc làm này kích hoạt quá trình phản tư (reflection) về nội dung của cuốn sách, giúp bạn củng cố hiểu biết của cuốn sách, và liên hệ với các thông tin khác, từ đó gia tăng hiểu biểu của cá nhân. Trong các lớp học về quản trị hiện đại dành cho các nhà quản lí (NeoManager.vn), tôi thường nhận thấy các nhà quản lí ghi nhận hoạt động đọc có phản tư thường là hoạt động giàu trải nghiệm, hỗ trợ rất nhiều cho việc tiếp thu kiến thức từ sách và mở rộng khả năng vận dụng vào thực tiễn. Nói như một anh bạn thân là một chủ doanh nghiệp cỡ vừa, đây là một hoạt động rất “ăn tiền”. Trong khung dưới đây là mẫu để bạn thực hiện thao tác phản tư này theo “quy trình”. Nếu mới làm, hãy tuân thủ nó, khi làm nhiều quen tay thì bạn có thể biến báo đi cho linh hoạt.

Mẫu phản tư về nội dung cuốn sách (một chương hoặc cả cuốn”
1. Những điểm chính yếu trong tài liệu (tập trung vào ý tưởng, khái niệm thay vì từng dữ liệu đơn lẻ) là gì?
 
2. Mọi thứ có rõ ràng với bạn không? Còn điều gì khiến bạn cảm thấy khó hiểu? Có điều gì cần phải làm gõ thêm hoặc phản biện? 

3. Điều gì là mới mẻ đối với bạn? Nó có khiến bạn thay đổi cách nghĩ về việc gì đó từ trước tới nay hay không?

4. Bạn sẽ tìm hiểu thêm về điều gì sau khi đọc xong bài đọc này? Có điều gì bạn muốn tranh luận với tác giả không? Có điều gì còn nghi vấn về tính đúng đắn hay hợp lí?
5. Mô tả ít nhất một mối liên hệ giữa những gì bạn đọc được và những gì bên ngoài:

6. Mô tả một ví dụ về trải nghiệm của bạn liên quan đến chủ đề vừa đọc:    

Gợi ý cuối cùng, khi đọc sách bạn có thể cần phải đối chiếu ý hiểu của mình so với người khác bằng cách xem xét các bản tóm tắt và đánh giá sách hoặc nói chuyện với người cùng đọc cuốn sách đó. Làm như vậy, bạn có thể tránh được những chỗ hiểu còn sai sót hoặc nông cạn. Đó cũng là cách củng cố lại những hiểu biết quan trọng nhất mà bạn rút ra được từ một cuốn sách quan trọng. Sẽ là lãng phí cơ hội nếu như đọc xong một cuốn thật hay, bạn lại hiểu sai hoặc hiểu nó ở mức bề mặt.