Peter Drucker từng khẳng định: “Cái gì đo lường được thì quản trị được”. Không đo lường các chỉ số thường xuyên là sai lầm nghiêm trọng trong quản trị doanh nghiệp hiện đại. Xu thế thị trường biến động và cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp không theo dõi số liệu để liên tục cải tiến, đổi mới thì chỉ có những rủi ro chờ đợi.
1. PHÂN BỔ NGUỒN LỰC HIỆU QUẢ
Có rất nhiều chiến lược kinh doanh sáng tạo đã được chứng minh hiệu quả, nhưng lựa chọn phương thức tối ưu với nguồn lực của doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất.
Nhìn từ góc độ marketing, nhiều doanh nghiệp hiện đại tham vọng xây dựng chiến lược đa kênh nhưng nếu không đo lường, không dự trù được kinh phí và nguồn lực thì sẽ trở thành tiêu sản, xói mòn thu mà không tối ưu khai thác từng kênh.
Không có công tác đo lường chỉn chu thì vô phương đưa ra được đáp án cho việc phân bổ nguồn lực online, offline phù hợp, chưa nói đến việc lựa chọn kênh cho từng dòng sản phẩm hay chiến dịch.
Tóm lại, chiến lược nên được các cấp quản lý của doanh nghiệp đề xuất dựa trên số liệu quá khứ, nghiên cứu thị trường, số liệu đo lường hành vi và chuyển đổi của khách hàng.
2. HIỂU INSIGHT KHÁCH HÀNG, TĂNG HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG
Các điểm đau được khám phá qua những cuộc đối thoại và tiếp xúc với nhân viên tư vấn, giúp doanh nghiệp chọn lựa loại hình nội dung và kênh phù hợp cho từng nhóm khách hàng.
Một số doanh nghiệp thường xếp nội dung vào phạm trù của sáng tạo và bỏ quên đo lường hoạt động này trong marketing. Tuy nhiên, thông qua tương tác, phản hồi và số liệu đo lường có thể đánh giá đến 70% hiệu quả content, từ đó có kế hoạch nội dung phù hợp.
Dựa trên lịch sử tương tác của khách hàng mục tiêu với bài viết và kênh truyền thông, doanh nghiệp có thể phân tích và mô hình hóa hành vi của họ.
Từ đó, các thông điệp sẽ được định hướng sâu sát, đặc biệt quan trọng khi thương hiệu ra mắt sản phẩm mới hoặc gia tăng tập khách hàng. Nếu công tác đo lường bị bỏ qua, hệ quả khó tránh là nội dung yếu, thông điệp tràn đầy rủi ro không phù hợp với thị trường mục tiêu.
3. GIỮ CHÂN NHÂN TÀI NHỜ CHÍNH SÁCH THỎA ĐÁNG
Đa phần chủ doanh nghiệp đều mong muốn đánh giá nhân sự một cách khách quan dựa vào kết quả công việc. Hệ thống đo lường năng suất theo thời gian thực, đánh giá chất lượng công việc qua kết quả giúp nhà quản lý có cái nhìn chuẩn xác về nhân sự.
Bằng việc tổng hợp định kỳ các số liệu ghi nhận hàng ngày, mỗi nhân viên trong hệ thống được tự động phân nhóm để tối ưu công tác quản lý. Nhờ vậy, các quyết định thuyên chuyển, bổ nhiệm, huấn luyện đào tạo, thậm chí khích lệ động viên sẽ tránh được rủi ro sai người, sai việc, sai mục đích. Chính sách lương thưởng tự động dịch chuyển theo hiệu suất cũng khiến nhân viên tâm phục khẩu phục và nỗ lực hoàn thành công việc hơn.
4. MẬT PHÁP HUẤN LUYỆN NHÂN SỰ
Thiếu vắng công tác đo lường, nhân sự quản lý của công ty làm việc thuần túy dựa trên kiến thức và trải nghiệm nhiều năm điều hành bộ phận. Khi kết quả công việc trả về họ không tự nhìn nhận đánh giá, học hỏi hoặc tối ưu cách làm. Đồng thời, nhân sự thiếu cái nhìn toàn cảnh về các chiến dịch đã và đang triển khai để có thể tham mưu cho lãnh đạo.
Chu trình đo lường – đánh giá – tối ưu giúp các nhà lãnh đạo tương lai của doanh nghiệp rèn thói quen ra quyết định dựa trên số liệu. Các đề xuất tham mưu cho cấp trên cũng trở nên thuyết phục, các cuộc họp nhờ vậy được rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Thường xuyên theo dõi các chỉ số cho phép nhà điều hành quản lý nhân sự từ xa, dần thoát khỏi cấp độ “chủ doanh nghiệp” (con người và hệ thống cùng làm việc) để trở thành “nhà đầu tư” (khi hệ thống làm việc cho bạn).