Cố Tiến sĩ Alan Phan – Cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải – cho biết đầu tư đa ngành chẳng khác nào cho người bệnh ở cùng với người khỏe để thành dịch bệnh nguy hiểm.

– Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang rơi vào thua lỗ nặng nề sau cơn say đầu tư trái ngành. Ông nhìn nhận bài học này như thế nào?

– Đó là căn bệnh của lòng tham và sự hoang tưởng. Khi thành công trong một vài lĩnh vực, con người thường có hoang tưởng là có thể thành công trong nhiều lĩnh vực. Không riêng gì các nhà kinh doanh Việt Nam mà phần lớn trên thế giới hay bị bệnh này. Thành ra tôi không ngạc nhiên. Khi có tiền trong tay và có một vài thành công ban đầu thì họ nghĩ như vậy.

Tiến sĩ Alan Phan cho rằng không nên đầu tư trái ngành vào những lĩnh vực không có năng lực cốt lõi.

– Ông cho rằng đâu là động cơ thực sự khiến các doanh nghiệp lao vào đầu tư trái ngành dù họ không có năng lực quản trị cốt lõi?

– Ngoài yếu tố lòng tham, sĩ diện, còn do tư duy làm ăn chộp giật, manh mún. Họ nghĩ rằng cái này là tốt nhưng thực tình là cái hại cho họ. Nhưng cũng không trách được vì trong một cơ chế như hiện nay, phần lớn dựa trên quan hệ thay vì mồ hôi nước mắt của sáng tạo, của sự vận hành. Từ một vài quan hệ có thể đem đến cả triệu USD. Họ dám lao vào lĩnh vực trái ngành vì nhìn vào ngắn hạn, thấy có mối quan hệ nọ kia và cứ thế đầu tư.

Thông tin về thị trường rất kém, họ không cần biết nhiều lắm về khách hàng. Họ nghĩ có quan hệ là sẽ thắng được đối thủ. Nhiều người đầu tư theo đám đông, bầy đàn. Khi thấy vài người kiếm được tiền trong chứng khoán thì nhà nhà lên sàn chơi. Nhưng khi chứng khoán đi xuống, lại thấy nhiều người kiếm bộn từ địa ốc thì lại ào ào đổ vào bất động sản…

Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc. Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) – Công ty Hartcourt đạt thị giá 670 triệu đôla vào năm 1999.Ông cũng là doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997). Hiện ông đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kong và Thượng Hải.

– Nhưng đầu tư đa ngành cũng phải có những lợi thế nhất định chứ?

– Tôi không thấy có lợi thế nào. Một anh chuyên làm thực phẩm mà đòi mở trường đại học, anh làm khoáng sản lại đi mở khách sạn… Người nước ngoài họ nghe những câu chuyện này thấy rất buồn cười, khôi hài bởi có biết gì đâu mà làm.

Đầu tư đa ngành kiểu này giống như nhét thằng bệnh vào ở cùng thằng khỏe, để cho thằng khỏe lây bệnh theo. Con bệnh không thể vì ở với người khỏe mà hết bệnh được. Lấy tiền của thằng mạnh đem chia cho thằng yếu thì cũng sẽ yếu thôi. Nếu doanh nghiệp đã tốt thì nên đầu tư để khuếch trương lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thay vì đi nuôi nhiều công ty con yếu. Nguyên tắc kinh doanh căn bản là không ném đồng tiền tốt vào cùng với những đồng tiền xấu.

– Nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đã phát triển lĩnh vực cốt lõi của mình ở một mức nhất định nhưng muốn đầu tư thêm vào các ngành phụ trợ, bổ sung cho lĩnh vực chính. Vậy ông có lời khuyên gì cho họ?

– Có 2 cách để khuếch trương, một là theo chiều ngang – đa ngành, cái này tôi hoàn toàn không ủng hộ. Hai là theo chiều dọc, tức là vừa sản xuất vừa muốn nắm luôn cả nguyên liệu vật liệu đầu vào, tiêu thụ, thị trường, cách này tôi ủng hộ. Tùy vào chiến lược của mỗi công ty nên lựa chọn các phương thức khác nhau. Nhưng nếu nguồn nguyên liệu công ty bạn nhập có nhiều đối thủ tham gia cạnh tranh cùng cung cấp thì không cần phải lo lắng vì giá cả sẽ tốt. Như vậy, không nên gia nhập thêm thị trường này. Ngược lại, nếu công ty phải phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc hai đơn vị độc quyền thì nên mở rộng đầu tư để nắm cả khâu nguyên liệu, tiêu thụ cho chắc ăn.

– Nhưng theo lý thuyết đầu tư, không nên bỏ nhiều trứng vào một giỏ. Vậy với những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư thì nên làm như thế nào, thưa ông?

– Lời khuyên của tôi là đầu tư thì nên đầu tư nhiều ngành, nhiều rổ nhưng đó là dưới góc độ cá nhân, còn làm quản lý thì nên quản lý một ngành. Ngành nào thích hợp nhất, làm giỏi nhất thì chăm chú vào làm thay vì chạy lăng xăng nhiều ngành.

– Một thời gian, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư bất động sản vì họ nghĩ rằng sẽ tạo đầu ra cho các sản phẩm vật liệu của mình. Ông nghĩ sao về cách quản trị dòng tiền này?

– Không riêng gì trong bất động sản. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đi vay ngắn hạn đầu tư dài hạn nên luôn gặp vấn đề. Người Việt Nam cũng như Trung Quốc vẫn có tư duy thâm căn cố đế là coi trọng bất động sản. Đối với họ, tấc đất là tấc vàng nên bất động sản luôn được định giá cao. Nhưng trong thế giới hiện đại thì mọi việc nó khác rồi. Nhà cửa, chỗ ở chỉ là một nhu cầu bình thường thôi. Cũng nhiều công tử, thiếu gia đại gia ở Hà Nội có dịp sang New York, Singapore thì họ đã thấy ngôi nhà không còn nghĩa lý gì.
 
– Trên thế giới, cổ phiếu của những công ty đa ngành được đánh giá thế nào thưa ông?

– Ở Mỹ gần như không còn công ty đa ngành nào. Còn ở thị trường Á Châu thì vẫn còn nhưng dần dần sẽ lụi bại bởi khó quản lý nổi.

– Vậy với trường hợp của Việt Nam, các công ty đầu tư đa ngành nên tiếp tục đầu tư trái ngành hay thoái vốn?

– Không nên kéo dài những “xác chết biết đi”, cứ nuôi những cái đó rồi rốt cục tài nguyên và tài lực sẽ bị thui chột dần. Theo tôi, phải mạnh dạn cho những tập đoàn, công ty không làm được việc chết.