Trong nhiều kịch bản về thị trường chứng khoán đang tăng, giảm hoặc lình xình, nhà đầu tư cần phải xây dựng kế hoạch giao dịch. Hai quy tắc 2% và 6% được giới thiệu dưới đây có thể là công cụ quản trị rủi ro hữu ích để nhà đầu tư có thể tham khảo.
Theo nhà đầu tư thành công, tỉ phú Warren Buffett, nguyên tắc đầu tư trên thị trường chứng khoán: “Quy tắc 1: Không bao giờ làm mất tiền. Quy tắc 2: Không bao giờ quên Quy tắc 1”.
Một bài học quý giá cho các nhà đầu tư trước khi “chốt lãi” có lẽ là “dừng lỗ”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra giá trị của nó ngay từ đầu, thường nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ nặng mới nhận ra được giá trị của việc quản trị rủi ro.
Đặc biệt là các nhà đầu tư non trẻ, thường “ngủ quên” trong chiến thắng tạm thời. Giao đoạn thị trường tăng (uptrend), nhà đầu tư phất lên như diều gặp gió khi cảm nhận được nhịp đi của thị trường và có lãi liên tục. Tuy nhiên, không một thị trường nào tăng mãi cũng như không có cổ phiếu nào tăng giá không ngừng.
Nhà đầu tư có thể phải trải qua thời kì thua lỗ liên tục từ lệnh giao dịch này đến lệnh giao dịch khác. Điều quan trọng lúc này là chúng ta cần giữ tỉnh táo và tìm cách quản trị rủi ro.
Dưới đây là hai quy tắc về quản trị rủi ro tài khoản được giới thiệu trong cuốn sách “Phương pháp mới để giao dịch kiếm sống” (The new trading for a living) của Tiến sĩ Alexander Elder.
Quy tắc 1: Quy tắc 2% hay Tam giác kiểm soát rủi ro
Theo Alexander Elder, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua và bán cổ phiếu theo bản năng nhiều hơn là dựa vào sự tính toán. Nhà đầu tư thường lựa chọn cổ phiếu bất kì để giao dịch với kì vọng về tỷ lệ sinh lợi mà không căn nhắc cụ thể ngưỡng cắt lỗ và ngưỡng rủi ro có thể chịu được là bao nhiêu. Điều này gây nguy hiểm rất lớn với tài khoản.
Quy mô của giao dịch thực hiện cần được tính toán cụ thể dựa trên công thức thay vì phán đoán mơ hồ. Quy tắc 2% rủi ro hay Tam giác kiểm soát rủi ro sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý về số lượng cổ phiếu tối đa mà bạn có thể mua hoặc bán.
Cạnh A tương ứng với số tiền tổi đa chấp nhận rủi ro cho mỗi lần giao dịch, tùy vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư tuy nhiên không bao giờ được vượt ngưỡng 2% tổng số tiền trong tài khoản. Cạnh B là mức rủi ro lớn nhất cho mỗi cổ phiếu – đây là lúc bạn cần xác định rõ điểm cắt lỗ của cổ phiếu tính từ giá mua. Chia A cho B để tìm ra số lượng cổ phần tối đa có thể giao dịch tại cạnh C của tam giác.
Lấy ví dụ về cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát trong hai tháng gần đây. Đây là doanh nghiệp đầu ngành thép, có kết quả kinh doanh dự báo khả quan và sản lượng tăng mạnh đến cuối năm 2018. Giả sử, nhà đầu tư đang nắm giữ một tài khoản 10 triệu đồng vào đầu tháng 11 và muốn tham gia mua vào đợt điều chỉnh với mức giá 38.500 đồng/cp với giá mục tiêu 42.300 đồng/cp (giá cao nhất thời điểm đầu tháng 10), lợi nhuận mục tiêu 3.800 đồng/cp.
Theo tư duy của hầu hết các nhà đầu tư, bạn hoàn toàn có thể mua tối thiểu 250 cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 9.625.000 đồng (chưa tính sức mua nhờ ký quỹ).
Áp dụng theo công thức của tam giác kiểm soát rủi ro, nếu tỷ lệ rủi ro tối đa cho mỗi lần giao dịch là 2%, tổng số tiền trong tài khoản tương đương mức rủi ro là 200.000 đồng. Giả sử nhà đầu tư đặt lệnh cắt lỗ ở vùng đáy gần nhất là 37.000 đồng/cp. Như vậy, mỗi cổ phiếu HPG có mức rủi ro là 1.500 đồng. Tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là 2,53 (=3.800/1.500).
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở khối lượng cổ phiếu bạn mua là bao nhiêu? Với con số 250 cổ phiếu dự kiến mua ban đầu, nhà đầu tư sẽ phải chịu mức rủi ro là 375.000 đồng, gấp 1,875 lần mức rủi ro tối đa cho một giao dịch được đưa ra (2%).
Theo tam giác kiểm soát rủi ro, số lượng cổ phiếu tối đa nhà đầu tư có thể giao dịch trong bằng rủi ro cao nhất chấp nhận (200.000 đồng) chia cho mức rủi ro của mỗi cổ phiếu (1.500 đồng). Như vậy, khối lượng cổ phiếu HPG tối đa có thể mua là 130 cổ phiếu.
Vậy nếu bạn giữ quy mô giao dịch 130 cổ phiếu nhưng giảm điểm cắt lỗ về đáy thứ hai trước đó là 35.900 liệu có ổn? Điểm dừng lỗ 35.900 đã gia tăng rủi ro/cổ phiếu lên 2.600 đồng. Việc giao dịch 130 cổ phiếu sẽ mang lại rủi ro 338.000 đồng – gấp 1.94 lần mức rủi ro chấp nhận. Như vậy tại điểm dừng lỗ 35.900 đồng/cp, nhà đầu tư có thể mua 70 cổ phiếu.
Quy tắc 2: Quy tắc 6% và Rủi ro cho phép
Về cơ bản, quy tắc 6% không cho phép nhà đầu tư mở bất cứ lệnh giao dịch mới trong phần còn lại của tháng khi tổng thua lỗ của tháng hiện tại và rủi ro của các lệnh giao dịch đang mở ở mức 6% tổng tài khoản.
Trước khi đặt một lệnh giao dịch mới, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chỉ tập trung nhìn vào cơ hội gia tăng lợi nhuận mà không mấy bận tâm đến những rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Mỗi giao dịch thực hiện trong phạm vi một tháng cần phải được xem xét liệu đã chạm ngưỡng rủi ro cho phép của tháng đó hay chưa bằng cách lấy tổng của các khoản thua lỗ từ đầu tháng đến hiện tại và rủi ro của các giao dịch còn mở. Nếu số tiền thua lỗ và chịu rủi ro trong tháng đến hiện tại chiếm 6% tổng số tiền lúc bắt đầu tháng có nghĩa nhà đầu tư đang ở ngưỡng rủi ro cho phép của tháng.
Quay lại ví dụ về cổ phiếu HPG, giả sử ngày 8/9 nhà đầu tư đã mua 130 cổ phiếu lần thứ nhất với giá 38.500 đồng (giá trị giao dịch 5.005.000 đồng) với tỷ lệ lợi nhuận kì vọng/ rủi ro vẫn là 2,53. Nhà đầu tư cho rằng vùng giá điều chỉnh 39.500 ngày 19/9 sẽ nối tiếp bởi đợt tăng giá mạnh, do đó muốn mua thêm tối đa cổ phiếu HPG có thể tại vùng giá này.
Theo quy tắc 2% rủi ro, nhà đầu tư được phép mua thêm bao nhiêu cổ phiếu với mức giá 39.500 đồng và lệnh dừng lỗ như cũ tại mức 37.000 đồng?
Rủi ro trên mỗi cổ phiếu sẽ là 2.500 đồng, vậy lượng cổ phiếu HPG tối đa có thể mua thêm trong lần giao dịch này là 80 cổ phiếu.
Sau lần giao dịch thứ hai, nhà đầu tư đã nâng mức rủi ro của danh mục lên 4% tổng tài khoản (400.000 đồng) tính từ đầu tháng.
Vào ngày 25/9, nhà đầu tư quyết định gia tăng lượng cổ phiếu HPG đang nắm giữ lần thứ ba tại vùng giá 40.900 đồng với mức cắt lỗ như cũ là 37.000 đồng. Với mỗi cổ phiếu có rủi ro 3.900 đồng, lượng cổ phiếu tối đa giao dịch là 50 cổ phiếu.
Sau ba lần giao dịch HPG trong tháng, nhà đầu tư đã đạt ngưỡng rủi ro cho phép là 6% tài khoản ban đầu (600.000 đồng). Bất kì một giao dịch phát sinh nào đều khiến rủi ro của nhà đầu tư vượt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hoàn toàn có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu giảm rủi ro của những lần giao dịch trước. Cụ thể, bạn có thể đặt lại lệnh dừng lỗ của 130 cổ phiếu mua lần đầu từ 37.000 lên mức hòa vốn là 38.500 đồng. Như vậy, rủi ro cho 130 cổ phiếu này sẽ là 0% và rủi ro toàn bộ tài khoản sẽ chỉ còn ở mức 4%.
Nếu nhà đầu tư thấy một cơ hội đầu tư vào cổ phiếu khác tốt hơn cổ phiếu HPG, ngoài việc nâng mức giá dừng lỗ, nhà đầu tư có thể bán đi một phần cổ phiếu đang nắm giữ để giảm rủi ro về dưới 6% và đầu tư vào cổ phiếu tốt hơn đó.
Như vậy, với hai quy tắc gồm Quy tắc 2% và Quy tắc 6%, nhà đầu tư có kiểm soát được rủi ro của danh mục và sống sót lâu dài ở thị trường.