Để có thể đạt đến trình độ phát triển vượt bậc như hiện nay, thế giới lập trình đã trải qua rất nhiều sự cải tiến với công sức của không ít các nhà lập trình đi trước. Bạn có bao giờ tò mò: Lập trình viên giỏi nhất trên thế giới là ai? Bài viết này sẽ cùng bạn điểm qua top 10 lập trình viên giỏi nhất thế giới cũng như chia sẻ những cống hiến của họ cho sự phát triển vượt bậc của ngành lập trình.

Dennis Ritchie – Người định hình kỷ nguyên kỹ thuật số

Nhà khoa học máy tính người Mỹ Dennis Ritchie là một trong những người đầu tiên đặt nền móng và định hình kỷ nguyên của công nghệ, kỹ thuật số. Ông đã phát minh và đồng phát minh ra hai công nghệ phần mềm được xem là DNA của rất nhiều phần mềm máy tính, điện thoại được phát hành rộng rãi ngày nay.

Dennis Ritchie

Được phát triển bởi Dennis Ritchie vào đầu thập kỷ 70, ngôn ngữ lập trình C vẫn được ưu ái sử dụng bởi rất nhiều nhà lập trình cho đến ngày nay bởi tính đơn giản, độc lập cũng như thư viện phong phú của mình. Tuy nhiên đây chỉ là một nửa cống hiến của ông cho ngành khoa học này. Cùng với người đồng nghiệp lâu năm của mình, Ken Thompson, ông đã tạo ra hệ điều hành Unix – tiền đề cho các hệ điều hành Mac OS, IOS, Android, Linux, … Đây là hệ điều hành với hệ thống đa nhiệm, đa người dùng và ổn định đối với các máy chủ, máy trạm hoặc các laptop.

Với những thành tựu ấn tượng, ông và người bạn đồng hành Thompson đã nhận được giải thưởng Turing từ ACM vào năm 1983 và Huân chương Công nghệ Quốc gia từ Tổng thống Hoa Kỳ Clinton vào năm 1999.

Bjarne Stroustrup – Người phát minh ra ngôn ngữ lập trình C++

Bjarne Stroustrup là một nhà khoa học máy tính người Đan Mạch. Dựa trên nền tảng của ngôn ngữ C của Dennis Ritchie, ông đã tạo ra ngôn ngữ lập trình C++ vào năm 1979. Với tính ứng dụng cao , ngôn ngữ lập trình với gần 40 năm tuổi C++ vẫn thống trị thế giới lập trình cho đến tận hôm nay . Đây là một ngôn ngữ lập trình hỗ trợ song song hai phong cách lập trình: hướng cấu trúc giống ngôn ngữ C và hướng đối tượng. Theo đó, ngôn ngữ lập trình này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lập trình game, lập trình web, phần mềm,..

Bjarne Stroustrup

Bjarne Stroustrup cũng nhận được Giải thưởng ACM’s Grace Murray Hopper (1993), được bầu vào Học viện Kỹ thuật Quốc gia (2004), Sigma Xi’s William Procter Priz … Hiện nay, ông vẫn đang giảng dạy cũng như nghiên cứu về ngành khoa học máy tính tại Đại học Texas A&M và Đại học Columbia.

James Gosling – Cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Java

James Arthur Gosling là một nhà khoa học máy tính người Canada được biết đến như là cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Java. Bên cạnh đó, ông cũng đóng góp đáng kể cho việc phát triển một số hệ thống phần mềm khác như NeWS và Gosling Emacs. Ông đồng viết chương trình “bundle”, một tiện ích được trình bày chi tiết trong cuốn sách “Môi trường lập trình Unix” của Brian Kernighan và Rob Pike.

James Gosling

Ban đầu, Ngôn ngữ lập trình Java được thiết kế cho mảng truyền hình. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, rất khó để áp dụng Java cho ngành công nghiệp truyền hình. Vì vậy, nó được chuyển sang sử dụng cho lập trình Internet. Với tiêu chí “Write once, Run anywhere” (“Viết một lần, thực thi mọi nơi”), hiện nay Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng được sử dụng rộng rãi bởi các lập trình viên trên rất nhiều nền tảng khác nhau. Ứng dụng của ngôn ngữ lập trình này cũng khá rộng rãi gồm ứng dụng Android, phần mềm game, lập trình game, lập trình nhúng, …

Với những đóng góp to lớn này, James được bầu làm Cộng tác viên của Học viện Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ. Năm 2002, Gosling đã được trao Giải thưởng Sáng tạo của Nhà kinh tế và được bổ nhiệm làm Cán bộ của Bộ Canada vào năm 2007.

Linus Torvalds

Kỹ sư phần mềm người Mỹ gốc Phần Lan Linus Benedict Torvalds là người phát minh ra hệ điều hành Linux. Ngoài ra, ông cũng là người tạo ra hệ thống kiểm soát sửa đổi Git cũng như phần mềm nhật ký lặn biển Subsurface.

Năm 21 tuổi, Linus đã viết ra những dòng đầu tiên của hệ điều hành Linux tại căn hộ của mẹ ông ở Helsinki. Sau đó, ông đã đăng tải Linux lên mạng và nhờ các nhà lập trình viên khác giúp cải thiện nó. Từ đó, dự án Linux có đến hàng chục nghìn người tham gia phát triển và trở thành dự án hợp tác lớn nhất trong lịch sử. Đây là một hệ điều hành với nguồn mở và miễn phí được sử dụng bởi nhiều nhà phát triển và công ty Internet ngày nay.

Linus Torvalds

Để ghi nhớ việc Linus tạo ra một hệ điều hành mã nguồn mở mới cho máy tính, ông đã được trao tặng Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ 2012 của Học viện Công nghệ Phần Lan. Năm 2018, ông cũng được trao tặng Giải thưởng Điện tử Tiêu dùng IEEE Masaru Ibuka.

Anders Hejlsberg – Nhà phát triển ngôn ngữ lập trình C#

Kỹ sư phần mềm nổi tiếng người Đan Mạch Anders Hejlsberg là đổng tác giả trong nhiều dự án thiết kế công cụ phát triển và ngôn ngữ lập trình phổ biến. Theo đó, ông đã cho ra đời ngôn ngữ lập trình C#, Turbo Pascal, J++ và Delphi.

Năm 2000, Anders lúc này đang làm việc tại Microsoft đã phát triển một ngôn ngữ đáp ứng yêu cầu của công ty, đó chính là ngôn ngữ lập trình C#. Đây là một ngôn ngữ lập trình tương đối đơn giản với ngôn ngữ hiện đại, hướng đối tượng và được phát triển dựa trên nền móng của hai ngôn ngữ được ra đời trước đó là C++ và Java.

Anders Hejlsberg

Năm 2001, ông đã vinh dự được nhận giải thưởng về lập trình Dobb’s Excellence. Hiện tại, ông đang làm việc cho Microsoft với tư cách là kiến trúc sư chính của ngôn ngữ C# và là nhà phát triển cốt lõi trên TypeScript.

Tim Berners-Lee – Người đưa mạng toàn cầu WWW (World Wide Web) đến với con người

Được xem là một trong những thiên tài về khoa học máy tính, Tim Berners-Lee là một nhà khoa học máy tính người Anh, được biết đến rộng rãi với tư cách là người phát minh ra mạng toàn cầu World Wide Web.

Sau khi thành công tạo ra phần mềm máy tính với cách thức hoạt động tương tự não người để sắp xếp lại các ghi chép của mình, Tim muốn thực hiện điều tương tự trên các máy tính của nhiều người khác mà không bị giới hạn. Với suy nghĩ to lớn này, năm 1989, ông đã cho ra đời một hệ thống quản lý, chia sẻ và đóng góp thông tin với phạm vi rộng khắp toàn cầu, đó chính là mạng toàn cầu World Wide Web.

Tim Berners-Lee

Với sự tiên phong trong ngành Internet, ông đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ. Không dừng lại ở đó, năm 2012, trước sự chứng kiến của hơn 80.000 người ông được vinh danh là Nhà phát minh ra World Wide Web tại sân vận động Olympic Luân Đôn. Năm 2007, tạp chí danh tiếng Telegraph chọn ông là người đứng đầu trong danh sách 100 thiên tài vĩ đại nhất hành tinh.

Hiện tại, ông là giám đốc dự án phi lợi nhuận được hậu thuẫn bởi các công ty lớn từ Google, Facebook, … với mục đích mang Internet tốc độ cao đến mọi nơi trên thế giới.

Brian Kernighan

Làm việc tại Bell Labs cùng với Ken Thompson và Dennis Ritchie, nhà khoa học máy tính người Canada Brian Wilson Kernighan là một trong những người góp công vào việc xây dựng và phát triển Unix. Bên cạnh đó, ông cũng là đồng tác giả của các ngôn ngữ lập trình AWK và AMPL. Tên tuổi của Kernighan được biết đến rộng rãi thông qua việc đồng tác giả cuốn sách đầu tiên về ngôn ngữ lập trình C với Dennis Ritchie.

Brian Kernighan

AWK là một ngôn ngữ lập trình thông dịch với thiết kế giúp xử lý nhanh các tác vụ liên quan đến text phức tạp chỉ với một vài dòng code đơn giản.

AMPL là một ngôn ngữ lập trình thiên hướng toán học với mô hình đại số nhằm để mô tả và giải quyết các vấn đề phức tạp cho quá trình tính toán trong toán học.

Ken Thompson – Đồng sáng lập hệ điều hành Unix

Ken Thompson – người đồng sáng lập ra hệ điều hành Unix cùng Dennis Ritchie – là một nhà khoa học máy tính người Mỹ. Dành phần lớn sự nghiệp của mình tại Bell Labs , ông đã cùng người bạn của mình thiết kế, triển khai và phát triển hệ điều hành Unix.

Ken Thompson

Ngoài ra, ông còn phát minh ra ngôn ngữ lập trình B, tiền thân của ngôn ngữ lập trình C. Năm 2006, ông chuyển sang làm việc cho Google và trở thành nhà đồng sáng lập ra ngôn ngữ lập trình Go. Đây là ngôn ngữ lập trình với nhiều điểm tương đồng với C++ hay Java.

Guido van Rossum – Nhà sáng lập ngôn ngữ lập trình Python

Nhà lập trình viên máy tính người Hà Lan Guido van Rossum là cha đẻ của ngôn ngữ lập trình thịnh hành nhất trên thế giới hiện nay – Python. Với hiệu suất đáng kinh ngạc, Python được các lập trình viên đánh giá là dễ đọc, dễ học và dễ nhớ. Đây là ngôn ngữ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phân tích dữ liệu, xây dựng trí tuệ nhân tạo, lập trình web, lập trình game python, ….

Guido van Rossum

Thực tế, Python là một dự án đồng hợp tác bởi nhiều cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, Guido van Rossum là tác giả chính và giữ vai trò quyết định về hướng phát triển ngôn ngữ lập trình này.

Trước đây, ông làm việc tại Google, nơi mà ông dành một nửa thời gian để phát triển Python. Sau đó, ông chuyển sang làm cho Dropbox từ năm 2013.

Donald Knuth

Nhà khoa học máy tính Donald Ervin Knuth là một nhà toán học và là Giáo sư danh dự tại Đại học Stanford. Với kiến thức uyên thâm của mình, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm về Nghệ thuật lập trình máy tính, đóng góp một phần đáng kể vào quá trình phát triển lập trình và phân tích thuật toán máy tính.

Donald Knuth

Vì vậy, Knuth được mệnh danh là “Cha đẻ” của phân tích thuật toán trong lập trình. Bên cạnh đó, ông cũng cho ra đời hệ thống sắp chữ máy tính TeX, ngôn ngữ định nghĩa phông chữ METAFONT và hệ thống kết xuất khác.

Bạn thấy đó, để có thể đạt đến mức độ phát triển như bây giờ, thế giới lập trình viên được xây dựng từ nhiều đóng góp của các nhà lập trình viên thiên tài đi trước.